Bệnh do Feline herpesvirus (FHV) ở mèo
Viêm biểu mô giác mạc do FHV ©Barbara Nell
Định nghĩa
Feline herpesvirus (FHV, FHV-1) là virus có khả năng lây truyền cao và là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh ở đường hô hấp trên của mèo hay còn gọi là bệnh cúm mèo. Feline calicivirus (FCV) và Feline herpesvirus là hai loại virus gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng ở đường hô hấp trên của mèo.
FHV được lây truyền như thế nào ?
Feline herpesvirus là virus chính gây bệnh nghiêm trọng ở đường hô hấp trên của mèo. Feline herpesvirus (FHV) được lây truyền giữa các cá thể mèo qua:
• Tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết từ mắt và mũi.
• Hít phải dịch hắt hơi.
• Sử dụng chung tô thức ăn và khay vệ sinh.
• Môi trường sống bị ô nhiễm (bao gồm các vật dụng chăm sóc lông và tấm trải ổ nệm) – Khác với FCV, FHV dễ bị tiêu diệt và có thể chỉ sống từ 1-2 ngày trong môi trường tự nhiên.
Sau khi nhiễm FHV, phần lớn mèo sẽ bị bệnh tiềm ẩn (virus tồn tại trong tế bào thần kinh) và có thể mang virus suốt đời. Phần lớn mèo vẫn sống bình thường và không lây truyền virus cho mèo khác. Tuy nhiên một số mèo thỉnh thoảng sẽ truyền virus cho mèo khác, điều này thường xảy ra khi mèo bị stress hoặc hệ miễn dịch bị suy giảm (ví dụ sau khi sử dụng corticosteroids). Khi virus được truyền qua cho mèo khác sẽ khiến các mèo này có các triệu chứng bệnh nhưng nhẹ hơn. Thông thường, việc nhiễm virus FHV trong thời gian dài có thể gây ra các vấn đề về mắt.
Triệu chứng của bệnh hô hấp do FCV gây ra
Nhiễm bệnh nghiêm trọng ở đường hô hấp trên – đây là biểu hiện thường gặp nhất của bệnh do FHV gây ra. Các triệu chứng thường gặp bao gồm viêm kết mạc, hắt hơi, chảy dịch mắt và mũi, chảy nước bọt, viêm hầu họng, mệt mỏi, ăn không ngon miệng, sốt và thỉnh thoảng ho. Triệu chứng sẽ kéo dài vài ngày đến vài tuần và mèo sẽ lây lan virus liên tục khoảng 3 tuần. Bệnh do FHV gây ra thường nghiêm trọng hơn do FCV.
Viêm giác mạc – mặc dù không phổ biến, một biểu hiện thường gặp ở rất nhiều mèo bị nhiễm FHV lâu năm là viêm kết mạc và viêm giác mạc. Mặc dù viêm giác mạc do nhiều nguyên nhân gây ra, FHV thường gây nên triệu chứng viêm giác mạc dạng đuôi gai (dendritic keratitis), triệu chứng này có thể được xem xét trong chẩn đoán bệnh do FHV.
Bệnh viêm da do FHV gây ra – một triệu chứng hiếm gặp của mèo bị nhiễm FHV trong thời gian dài là da bị sưng đỏ và loét, đặc biệt ở vùng da quanh mũi và miệng, nhưng cũng có khi triệu chứng xảy ra ở các vùng da khác như chân trước.
© Marian C. Horzinek
Viêm giác mạc xâm lấn do FHV © Barbara Nell
Chẩn đoán
Trong phần lớn trường hợp, bác sĩ thường không cần dùng phương pháp chẩn đoán chuyên biệt cho bệnh do herpesvirus gây ra. Qua các triệu chứng điển hình của bệnh ở đường hô hấp trên là đủ để chẩn đoán mèo bị nhiễm herpesvirus – FHV (và/hoặc feline calicivirus – FCV). Nếu cần phương pháp chẩn đoán chuyện biệt, tăm bông thấm dịch mắt hoặc mũi của mèo bệnh sẽ được gửi tới phòng thí nghiệm để xác định bằng cách nuôi cấy trong môi trường thích hợp hoặc sử dụng phương pháp PCR (1 kỹ thuật phân tử để xác định vật liệu gen của virus). Ngoài ra, virus có thể hiện diện trong mô bệnh nên có thể được dùng để chẩn đoán triệu chứng viêm da do FHV.
Điều trị và kiểm soát sự truyền nhiễm của FHV
Bệnh do FHV thường phức tạp hơn do nhiễm khuẩn thứ phát, vi vậy bác sĩ thường dùng kháng sinh để hỗ trợ việc điều trị. Mèo cần được chăm sóc ngay lập tức, đồng thời có thể cần truyền dịch và bổ sung dinh dưỡng trong một số trường hợp nghiêm trọng. Phương pháp cho thở sương ấm hoặc dùng máy xông thuốc có thể cải thiện tình trạng nghẹt mũi nặng và trong trường hợp mèo không thể ngửi được mùi thức ăn, có thể đựng thức ăn ấm trong lon hoặc túi để mùi được nồng hơn.
Khác với FCV, triệu chứng bệnh kéo dài và tiềm ẩn do FHV có thể được kiểm soát nhờ một số loại thuốc chống virus.
Liệu pháp chống virus toàn thân: famciclovir là thuốc chống virus herpes ở người đã được chứng minh là có hiệu quả trên mèo. Thuốc được dùng qua đường miệng và rất hữu ích trong việc kiểm soát các trường hợp nặng do bệnh gây ra.
Liệu pháp chống virus trực tiếp qua mắt: idoxuridine, trifluridine và cidofovir là thuốc chống virus herpes của người, có thể sử dụng trực tiếp cho mèo qua nhỏ mắt để điều trị bệnh viêm kết mạc và viêm giác mạc do FHV gây ra.
Trong một đàn mèo, cần cách li ngay nếu mèo có biểu hiện bệnh, và đảm bảo điều kiện vệ sinh nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm. Cần dùng riêng dụng cụ ăn uống, khay cát và các vật dụng khác,… và rửa tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc.
Viêm sưng giác mạc dạng đuôi gai – được xem là triệu chứng điển hình của bệnh FHV nặng © Eric Dean
Vắc xin phòng bệnh do FHV
Vắc xin không hoàn toàn ngăn ngừa được bệnh do FHV nhưng sẽ giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Khác với FCV, hiện nay vắc xin chỉ có hiệu quả với 1 chủng FHV
Mèo cần được tiêm chủng để phòng bệnh do FHV, đối với mèo con nên tiêm 2 hoặc 3 mũi bắt đầu từ 8 tuần tuổi. Mèo nên được tiêm nhắc lại lúc 1 năm tuổi, và sau cần được tái chủng định kì 1-3 năm/ lần.
Lược dịch từ: http://icatcare.org/advice/cat-health/feline-herpes-virus-fhv-infection