“Kế hoạch hóa gia đình” (Bé gái)

Đăng bởi Pet Health, Sức khỏe thú cưng

Bạn có một nàng cún dễ thương hoặc một nàng mèo đáng yêu, và bạn muốn nàng mãi là “nàng công chúa bé bỏng” chứ không trở thành một “mẫu hậu” đầu xù tóc rối, lông lá xơ xác với đàn con nheo nhóc? Vậy thì bạn hãy làm quen với khái niệm triệt sản cái nhé. Đây là một phương pháp “kế hoạch hóa gia đình” đem lại lợi ích to lớn lâu dài cho bé cưng của bạn đó.

Lợi ích của triệt sản cái

Triệt sản cái là phẫu thuật khá đơn giản, cắt bỏ hai buồng trứng và tử cung, nhằm triệt khả năng sinh sản của thú cái.

Đối với người chủ, việc triệt sản làm ngưng các phiền toái khi bé cưng “tới tháng” và sự ve vãn của các “anh hàng xóm”. Đồng thời, ngăn chặn khả năng mang thai ngoài ý muốn, và bé nó có “lỡ dại” thì chủ cũng đỡ đau đầu suy nghĩ tìm cách giải quyết đàn con nhỏ: đi hay ở? Cho ai để các bé được sống sung sướng?… Nếu bé đã được triệt sản, bạn có thể tự tin, thoải mái dẫn đi dạo công viên, bãi biển mà không ngại bị quấy rầy hay “lãnh hậu quả” về sau.

Nhưng quan trọng hơn hết là lợi ích trực tiếp của bé cưng: giảm nguy cơ ung thư vú; loại bỏ nguy cơ ung thư buồng trứng và tử cung; ngừa viêm tử cung. Viêm tử cung là một bệnh thường gặp trên thú cái già, chưa phối giống hoặc chưa triệt sản. Ngoài ra, trong “thời kỳ nhạy cảm”, thú cái thường thay đổi hành vi: biếng ăn, khó dạy bảo, hung hăng, thích ra ngoài chơi, đánh dấu khắp nơi bằng nước tiểu… và triệt sản có thể giải quyết các vấn đề này.

Triệt sản cái khi nào là tốt nhất?

Thời điểm tốt nhất để triệt sản là trước kỳ kinh đầu tiên, khoảng 5-6 tháng tuổi. Đối với giống chó lớn thì nên thực hiện sau 1 tuổi.

Mục đích của việc triệt sản sớm nhằm ngăn ngừa ung thư vú. Theo một nghiên cứu, nếu thú được triệt sản trước kỳ kinh đầu tiên thì khả năng bị ung thư vú gần như bằng 0%, sau kỳ kinh đầu là 7% và sau kỳ kinh thứ hai là 25%.

Nếu bé của bạn có kinh vào thời điểm hẹn triệt sản, bạn nên lùi lịch hẹn sau đó 1 tháng để tử cung có thời gian giảm sưng và trở lại bình thường.

Bạn cần chuẩn bị gì?

Khám và đặt hẹn: Bạn cần đem bé cưng đến bác sĩ khám tổng quát để đánh giá tình trạng sức khỏe chung. Petcare khuyên bạn nên làm xét nghiệm máu tổng quát để tầm soát rủi ro khi gây mê; siêu âm vùng bụng để kiểm tra trạng thái tử cung (bình thường hay sưng to do sắp tơí kỳ phối giống?). Sau đó, bé sẽ được đặt lịch hẹn ngày giờ phẫu thuật, thông thường vào buổi sáng.

Ngày trước phẫu thuật: Vào buổi tối trước ngày phẫu thuật, bạn cho bé ăn uống bình thường, rồi cất thức ăn nước uống sau 10h đêm nhé. Lý do là phẫu thuật yêu cầu dạ dày trống, phòng ngừa trào ngược thức ăn vào đường thở, gây nguy hiểm cho bé. Bạn cũng đừng quá lo lắng bé cưng của mình bị đói mà cho ăn nhiều hơn, điều này không cần thiết. Bé chịu đựng được và sẽ ổn mà.

Ngày phẫu thuật: Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 45-60 phút. Bé được gây mê ngắn để không cảm thấy đau và căng thẳng. Bé sẽ hồi sức, có thể đứng dậy và đi được khoảng 1-2h sau phẫu thuật. Và bạn có thể đón bé về sau khi bé hồi tỉnh hoàn toàn. Về nhà, bạn cho bé uống một ít nước, rồi sau đó là một ít thức ăn mềm, ngày hôm sau bé ăn bình thường. Nôn ói có thể xảy ra khoảng 24h sau phẫu thuật do tác dụng phụ của thuốc mê.

Sau khi phẫu thuật đến khi vết thương lành hoàn toàn (thường là 10 ngày), bạn nên duy trì đeo collar chống liếm cho bé; ngăn bé không cắn, gãi vết thương; hạn chế vận động mạnh như chạy nhảy, leo cầu thang; hạn chế tiếp xúc với thú khác trong nhà (vì đã có trường hợp thấy “đồng bọn” không liếm được, tội nghiệp quá, nên ta liếm dùm);tái khám kiểm tra vết thương và dùng thuốc giảm đau, kháng sinh theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong thời gian này, nếu bé có biểu hiện bất thường: sốt cao, nôn ói nhiều, mệt mỏi nhiều, thở gấp, vết thương hở có chảy dịch… bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ ngay!

Tại Petcare có dịch vụ lưu hậu phẫu. Nếu bạn không có thời gian, nhà nuôi nhiều chó mèo hoặc không tự tin chăm sóc tốt thì có thể đăng ký dịch vụ này. Bé cưng nhà bạn sẽ được ở nội trú đến khi vết thương lành hoàn toàn dưới sự chăm sóc tận tình 24/7 của các bác sĩ. Khi bé trở về nhà là có thể chơi đùa thoải mái cùng bạn rồi.

Hiện nay, trên thị trường có bán thuốc tiêm ngừa thai trên chó mèo. Thuốc được tiêm vào mỗi kỳ lên giống của thú. Petcare khuyến cáo bạn không nên dùng phương pháp này. Hiệu quả ngừa thai của loại thuốc này chưa được kiểm chứng nhưng hậu quả thì đã được ghi nhận: thú vẫn có thai và sinh ra thai dị dạng hoặc thai chết lưu; rối loạn nội tiết tố dẫn đến viêm vú, viêm tử cung dạng kín. Đây là dạng viêm tử cung khó nhận biết, thường được phát hiện muộn, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu bạn vẫn còn băn khoăn và ngại phẫu thuật cho thú cưng, bạn có thể áp dụng phương pháp sau để ngừa thai cho bé: giữ bé trong nhà, không cho tiếp xúc với thú đực trong những ngày nhạy cảm.

Tóm lại, việc triệt sản cái bằng phẫu thuật không chỉ đem lại lợi ích sức khỏe cho thú cưng mà còn đem lại cuộc sống thoải mái, tiện lợi cho chủ nuôi. Ngoài ra, đây còn là phương pháp giúp hạn chế số lượng chó mèo con sinh ra ngoài ý muốn, giảm lượng chó mèo hoang lang thang cơ nhỡ, để mỗi bé sinh ra đều được yêu thương chăm sóc tốt nhất. 

Tham khảo

https://breedingbusiness.com/spaying-female-dog/