Sỏi bàng quang – bệnh ở những chú chó ngoan
Hẳn một số chủ nuôi sẽ ngạc nhiên khi biết trên thú cưng cũng có bệnh lý sỏi bàng quang. Thật vậy, tuy tuổi đời ngắn hơn nhiều so với người nhưng sỏi bàng quang là một bệnh lý không hiếm gặp ở chó mèo. Đáng ngạc nhiên hơn là có một vài cá thể mắc bệnh này khi chỉ mới hơn 1 năm tuổi (tương đương 20 năm tuổi ở người). Tùy từng loại sỏi và trường hợp cụ thể mà bệnh nguy hiểm ít/nhiều đến sức khỏe thú cưng. Cùng Petcare tìm hiểu về bệnh lý này để biết cách phòng ngừa nhé.
Quá bão hòa các tinh thể trong nước tiểu là yếu tố lớn nhất trong sự hình thành sỏi bàng quang ở chó mèo. Sự quá bão hòa có thể do sự tiết quá mức các tinh thể ở thận, sự tăng tái hấp thu nước ở thận và pH nước tiểu thay đổi dẫn đến sự hình thành tinh thể. Ngoài ra còn các yếu tố khác như di truyền, chế độ ăn, tần suất tiểu tiện (đặc biệt ở những bạn cún ngoan hay đòi dẫn ra ngoài mới chịu tè), mất nước, nhiễm trùng đường tiểu…
Các giống chó nguy cơ cao: Basset Hound, Beagle, Bulldog, Cocker Spaniel, Dachshund, Dalmatian, Miniature schnauzer, Miniature Poodle, Pekingese, Pug, Western Corgi… Các giống mèo nguy cơ cao: Siamese, Manx, Persian, Hymalayan…
Sỏi được hình thành ở bàng quang, có kích thước và số lượng khác nhau (có trường hợp sỏi chiếm 80% thể tích bàng quang). Gồm các loại: calcium oxylate, ureate, cystine, calcium phosphate và sỏi silicate. Thú có thể có một hoặc nhiều loại sỏi.
Sỏi bàng quang có thể gây nhiễm trùng và tắc nghẽn đường tiết niệu, đặc biệt nguy hiểm trên thú đực vốn có đường niệu đạo hẹp. Trong một số trường hợp, thú sẽ có biểu hiện đau dữ dội, nôn mửa, rối loạn chất điện giải trong máu, suy thận cấp, nhiễm khuẩn và có thể tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Các triệu chứng thường gặp:
- Tiểu khó, có biểu hiện đau khi tiểu
- Tiểu dắt, tiểu nhiều lần từng chút một, không kiểm soát được tiểu tiện, tiểu bậy trong nhà
- Có máu trong nước tiểu
- Bồn chồn, hay liếm cơ quan sinh dục
- Nôn ói, bỏ ăn
Tuy nhiên, một số trường hợp không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Khi đó, bác sĩ cần làm thêm các phương pháp cận lâm sàng để chẩn đoán:
- X-quang: có giá trị trong việc phát hiện hầu hết các loại sỏi, trừ sỏi urate, sỏi cystine và sỏi <3mm
- Siêu âm: đánh giá tình trạng viêm của đường tiết niệu và các loại sỏi không thấy được bằng kỹ thuật x-quang
- Xét nghiệm nước tiểu để xác định loại sỏi
- Xét nghiệm máu tổng quát để đánh giá tình trạng sức khỏe, chức năng gan, thận, đường huyết, đánh giá cân bằng điện giải
Tùy trường hợp mà bác sĩ thú y sẽ có liệu trình điều trị phù hợp:
- Truyền dịch nhằm lọc thận và làm thông đường niệu đạo, sỏi nhỏ và tinh thể có thể bị đẩy ra cùng với nước tiểu
- Dùng thuốc điều trị nguyên nhân chính, dùng kháng sinh khi có viêm nhiễm
- Dùng thuốc giảm đau
- Phẫu thuật lấy sỏi
- Áp dụng chế độ ăn kiêng
Sau giai đoạn điều trị, thú cưng cần được cho ăn thức ăn đặc biệt, khuyến khích dùng thức ăn đóng hộp thay cho hạt khô, nhằm ngăn ngừa tái phát. Kèm theo đó là chế độ sinh hoạt hợp lý, uống nhiều nước sạch và xét nghiệm nước tiểu định kỳ.
Sỏi bàng quang là bệnh lý diễn biến âm thầm, thú thường ở tình trạng nặng khi có biểu hiện. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa bằng việc cân đối chế độ ăn: uống nhiều nước, dùng thức ăn có chất lượng, khẩu phần ăn đa dạng, áp dụng chế độ ăn kiêng nếu bé có tiền sử bệnh. Một việc quan trọng không kém là nên cho các bé đi khám tổng quát định kỳ (1 lần/năm) để phát hiện bệnh sớm và có hướng phòng trị kịp thời. Nếu còn chút băn khoăn, đừng ngại đến Petcare để được các bác sĩ tư vấn chi tiết nhé. Cùng Petcare chăm sóc thú cưng của bạn!
Lược dịch: http://www.pethealthnetwork.com/dog-health/dog-diseases-conditions-a-z/bladder-stones-dogs