Giun tim – Đừng để chết vì thiếu kiến thức phòng ngừa

Đăng bởi Sức khỏe thú cưng

Nói về giun thì hẳn ai cũng sẽ nghĩ ngay đến giun đường ruột. Tuy nhiên, khi cộng đồng yêu thú cưng ngày càng lớn mạnh và quan tâm hơn đến sức khỏe thú cưng thì mọi người cũng biết nhiều hơn đến giun tim. Vậy giun có thật sự sống ở tim chó mèo? Giun có ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào? Có nguy hiểm đến tính mạng thú không? Dưới đây, Petcare sẽ cung cấp những kiến thức tổng quát, toàn diện về vấn đề này nhé.

Giun tim có tên khai sinh là Dirofilaria immitis. Giun trưởng thành sống ở tim và các mạch máu lớn liền kề. Con cái dài khoảng 15 -36cm, con đực bằng một nửa con cái. Giun trưởng thành có thể sống đến 5 năm, và trong thời gian đó, con cái đẻ ra hàng triệu ấu trùng, sống trong các mạch máu nhỏ khắp cơ thể.

Giun tim cần muỗi làm vật chủ trung gian: muỗi cái hút máu chó nhiễm bệnh, trong đó có ấu trùng; ấu trùng phát triển 10 – 30 ngày trong ruột muỗi thành ấu trùng gây bệnh, muỗi hút máu chó khỏe truyền ấu trùng gây bệnh, ấu trùng di chuyển đến tim và phát triển thành giun trưởng thành, kết đôi và sản xuất ấu trùng trong vòng 6 – 7 tháng. Giun tim truyền lây qua muỗi mà không lây trực tiếp từ thú sang thú nên cũng có nghĩa, nơi nào có muỗi, nơi đó chó mèo có khả năng bị giun tim.

Những tác hại của giun tim đến sức khỏe: Bệnh thường được chẩn đoán ở chó mèo từ 2 – 8 tuổi và khi phát hiện thì bệnh đã nặng. Giun trưởng thành làm tắc nghẽn tim và các mạch máu lớn từ tim, ảnh hưởng đến van tim và làm giảm lượng máu cung cấp cho các cơ quan, dẫn đến các vấn đề về phổi, gan, thận. Mức độ của bệnh phụ thuộc vào số lượng giun trưởng thành, vị trí của giun, thời gian nhiễm giun và mức độ tổn thương của tim, phổi, gan, thận. Ấu trùng di chuyển làm tắc các mạch máu nhỏ, gây tổn thương gan, phổi: phá hủy mô phổi dẫn đến ho, chấn thương gan dẫn đến xơ gan, vàng da, thiếu máu và suy nhược toàn thân, thận có thể bị ảnh hưởng và cho phép chất độc tích tụ trong cơ thể.

Triệu chứng thường thấy ở chó mèo nhiễm giun tim là ho, vận động kém, thể trạng yếu nhưng triệu chứng có thể thay đổi túy thuộc mức độ nhiễm. Bệnh giun tim được chia làm 4 cấp độ.

  • Cấp độ 1: thú không có triệu chứng, có thể thỉnh thoảng ho
  • Cấp độ 2: thú thường ho và không chịu được vận động trung bình
  • Cấp độ 3: cơ thể suy nhược (giảm cân, lông nhờn hoặc khô, cơ bắp giảm), thở mệt, có thể bị tích dịch xoang bụng (hậu quả của suy tim)
  • Cấp độ 4: máu đến tim giảm do có nhiều giun trưởng thành. Không thể điều trị vì bệnh đã tiến triển nặng.

Các kỹ thuật chẩn đoán giun tim và ảnh hưởng của chúng đến sức khỏe:

  • Test nhanh: Có kết quả sau 10 phút và độ chính xác cao
  • Soi tươi máu dưới kính hiển vi
  • X-quang để kiểm tra tim to và độ sưng của động mạch phổi (tình trạng thường thấy khi bị giun tim)
  • Xét nghiệm máu để đánh giá chức năng gan thận, qua đó đánh giá mức độ tổn thương của các cơ quan.

Những lưu ý trong quá trình điều trị giun tim:

  • Đa số trường hợp khi phát hiện nhiễm giun tim thì bệnh đã phát triển 1 thời gian, đã có tổn thương ở tim, mạch máu, phổi, gan, thận. Một số ca nặng, bác sĩ sẽ tập trung hỗ trợ chức năng các cơ quan thay vì điều trị giun tim và các con thú này thường không sống quá vài tuần.
  • Trong và sau quá trình điều trị, thú cần được nghỉ ngơi hoàn toàn. Giun tim trưởng thành chết và bị phân hủy, di chuyển đến phổi, vào các mạch máu nhỏ và được cơ thể hấp thu. Sự tái hấp thu này có thể mất vài tuần đến vài tháng và hầu hết các biến chứng sau điều trị là do những mảnh giun tim chết này gây ra. Đây có thể là một giai đoạn nguy hiểm vì vậy điều tuyệt đối cần thiết là phải giữ cún yên tĩnh nhất có thể và không được phép tập thể dục trong một tháng sau khi điều trị. Tuần đầu tiên sau khi tiêm là rất quan trọng bởi vì đây là lúc những con giun sắp chết. ·
  • Sau khoảng 1 tháng điều trị giun trưởng thành, thú sẽ được tiếp tục điều trị ấu trùng giun tim.·
  • Sau giai đoạn điều trị, thú sẽ được dùng thuốc để phòng ngừa.

Mèo có bị giun tim không? Rất tiếc, câu trả là Có! Giun tim ở mèo chỉ sống từ 2-4 năm. Một con mèo bệnh chỉ có 1-2 giun trưởng thành (so với chó có thể lên đến 30 con) nhưng cũng đủ gây bệnh nghiêm trọng và tử vong cho mèo. Mèo thường không biểu hiện triệu chứng nhưng lại có thể bị đột tử. Các triệu chứng không điển hình như ói, giảm vận động, lười ăn, sụt cân, ho nên dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác. Khi giun trưởng thành chết, chúng sinh độc tố vào máu, gây hại cho phổi, hệ hô hấp và có thể đột tử. Ngay cả cái chết của 1 con giun trưởng thành cũng có thể làm bạn mèo tử vong!

Vậy làm thế nào để phòng ngừa giun tim? Vì bạn không thể phòng ngừa muỗi hút máu thú cưng 24/7 nên biện pháp tốt nhất là dùng thuốc tiêu diệt ấu trùng gây bệnh truyền từ muỗi sang. Trước khi dùng thuốc ngừa, bạn nên làm xét nghiệm để chắc chắn thú cưng không có giun tim và sau đó yên tâm cho thú uống thuốc/nhỏ thuốc hàng tháng nhé.

Để được tư vấn thêm về liệu trình phù hợp, bạn đừng ngại đến Petcare để gặp bác sĩ nhé. Petcare hiện có nhiều loại sản phẩm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Cùng Petcare chăm sóc thú cưng một cách tốt nhất!