Lịch chủng ngừa các bệnh thường gặp ở chó mèo
Một chú chó dương tính với parvovirus
Với điều kiện khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, môi trường sống ở Việt Nam thuận lợi cho nhiều loại mầm bệnh (vi rút, vi khuẩn, nấm, kí sinh trùng,…) sinh trưởng, phát triển và lây nhiễm. Trên chó mèo, việc tiêm chủng cho thú chưa được nhiều người nuôi dành sự quan tâm đúng mức. Chính vì vậy thú non, nhất là những thú chưa chủng ngừa rất dễ mắc phải những bệnh truyền nhiễm do tiếp xúc với mầm bệnh từ môi trường. Tại Việt Nam hiện nay đã có vắc-xin để tiêm phòng những bệnh sau:
Đối với chó:
- Bệnh carré do canine distemper virus (CDV).
- Bệnh viêm ruột do canine coronavirus (CCV), canine parvovirus (CPV và CPV-2c).
- Bệnh viêm gan truyền nhiễm do canine adenovirus chủng 1 (CAV-1).
- Bệnh hô hấp truyền nhiễm do canine adenovirus chủng 2 (CAV-2).
- Bệnh phó cúm do parainfluenza virus (CPiV).
- Bệnh xoắn khuẩn vàng da do Leptospira canicola, L. grippotyphosa, L. icterohaemorrhagiae và L. pomona gây ra – có thể lây cho người.
- Bệnh dại – có thể lây cho người.
Thông thường chó sẽ được tiêm phòng mũi đầu tiên từ 6-8 tuần tuổi. Dựa trên nhiều yếu tố, chó sẽ được tiêm 2-3 mũi bệnh thường gặp, mỗi mũi cách nhau 3-4 tuần, và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại khi chó đạt 12 tuần tuổi trở lên.
Đối với mèo:
- Bệnh giảm bạch cầu toàn phần (bệnh sốt/ bệnh viêm ruột truyền nhiễm) do feline parvovirus (FPV).
- Viêm mũi khí quản truyền nhiễm do feline herpesvirus -1 (FHV-1).
- Viêm đường hô hấp trên ở mèo do feline calicivirus (FCV).
Thông thường mèo sẽ được tiêm phòng mũi đầu tiên từ 8-9 tuần tuổi trở lên. Dựa trên nhiều yếu tố, mèo sẽ được tiêm 2 mũi bệnh thường gặp, mỗi mũi cách nhau 3-4 tuần, và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại khi đạt 12 tuần tuổi trở lên.
Chủ nuôi cần lưu ý tuân thủ lịch chủng ngừa theo sự tư vấn của bác sĩ thú y. Việc chủng ngừa cho thú cưng không chỉ giúp phòng tránh các bệnh có thể lây sang người, mà còn còn giúp đảm bảo sức khỏe thú cưng của bạn và của người khác.
LƯU Ý:
Tùy theo tình trạng sức khỏe, độ tuổi, giống, tình hình dịch tễ tại địa phương, môi trường sống của vật nuôi,… mà lịch chủng ngừa và loại vắc-xin sử dụng, loại bệnh được chích sẽ được bác sĩ thú y chỉ định phù hợp.